Với “Enhanced Detail”, Lightroom đã sẵn sàng cho Fujifilm

Cách đây vài năm, mình luôn có thành kiến về Fujifilm, không phải về hệ máy hay lens của họ mà là về định dạng RAF của Fujifilm. Nó quá khó để xử lý ra được một bức ảnh ưng ý mình. Nhưng kể từ phiên bản Lightroom 8.2 gần đây, một tính năng mới xuất hiện tên là “Enhanced Detail” dành riêng cho các file RAW và sau khi sử dụng, mình đã phải thốt lên một tiếng: Tuyệt! Giờ mọi thứ đã sẵn sàng cho Fujifilm rồi!

Câu chuyện quá khứ của định dạng RAF

Quay trở lại quá khứ một chút, vào thời mà Fujifilm tung ra chiếc máy cao câp đầu tiên X-T1, nối tiếp là X-T10, X-E2, X-E2s thuộc thế hệ cảm biến X-Trans II, đã bắt đầu có nhiều người nghĩ đến việc sử dụng hệ máy này cho công việc chuyên nghiệp khi mà nó đáp ứng nhiều điều kiện cơ bản: Chất lượng ảnh đẹp, thao tác tốt, AF ổn định và hệ ống kính tuy chưa phong phú nhưng cũng đã đủ những tiêu cự cơ bản.

Với “Enhanced Detail”, Lightroom đã sẵn sàng cho Fujifilm | 50mm Vietnam

Nhưng ở thời đó thì cũng có một thứ mà Fujifilm có lẽ đã quên khuấy mất: Phần mềm! Mọi phần mềm hỗ trợ cho Fujifilm lúc đó đã thiếu, lại còn yếu. Dẫn tới người dùng Fujifilm có ý định “go pro” đều lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười mỗi khi họ muốn chỉnh sửa bức ảnh của mình một cách kỹ hơn từ file RAF, không có phần mềm nào làm thỏa mãn người dùng cả, đặc biệt khi so sánh với các hãng máy ảnh khác.

Thậm chí, hãng phần mềm DxO PhotoLab (tiền thân là DxO Optics Pro) còn đăng hẳn một thông báo rằng họ không có kế hoạch gì cho việc support Fujifilm trong tương lai cả, thay vào đó hãng tập trung tối ưu phần mềm của mình cho các máy ảnh dùng cảm biến Bayer thông thường: Canon, Nikon, Sony, Pentax, Panasonic, Olympus, Leica…

Với “Enhanced Detail”, Lightroom đã sẵn sàng cho Fujifilm | 50mm Vietnam

Không gắt như DxO, người khổng lồ Adobe với phần mềm Lightroom lúc đó công bố hỗ trợ hết cho các máy của Fujifilm, nhưng hỗ trợ là một việc, dùng tốt không thì lại là một vấn đề khác. Hầu hết các file RAF đọc từ Lightroom đều sai lệch màu so với JPEG của máy, mất chi tiết, Shadows bị bệt, tình trạng lỗ sâu xuất hiện liên tục mỗi khi người dùng tăng sharpness lên.

Điều này đã tạo thành một vết hằn lên người dùng Fujifilm và nó vẫn còn bị lưu truyền đến giờ: “Thà chụp JPEG còn hơn là dùng file RAF của hãng!”

Vì đâu nên nỗi?

Một câu hỏi được đặt ra: Vấn đề gì đang xảy ra với định dạng RAW của Fujifilm vậy?

Câu trả lời này được một kỹ sư Adobe giải đáp: Việc Fujifilm sử dụng cảm biến X-Trans làm cho mọi thuật toán giải mã RAW trước đây vốn được tối ưu cho cảm biến Bayer đều “đổ xuống sông xuống biển”. Họ bắt buộc phải viết lại mọi thứ dành riêng cho X-Trans và điều đó rất tốn thời gian. Bản thân cảm biến X-Trans, về mặt lý thuyết, chất lượng ảnh cao hơn cảm biến Bayer nhưng nó cũng cần gấp rưỡi tài nguyên phần cứng đến từ máy tính để đảm bảo một hiệu năng ổn định.

Với “Enhanced Detail”, Lightroom đã sẵn sàng cho Fujifilm | 50mm Vietnam

Chung quy lại là với X-Trans, mọi thứ phải xây dựng lại từ đầu và nó rất tốn thời gian!

Cách giải quyết của Fujifilm

Fujifilm đã cố gắng khắc phục vấn đề bằng mọi giá: Hãng bắt tay với công cụ Silkypix Developer của Nhật Bản, ra mắt phần mềm convert RAF mang tên RAW FILE CONVERTER EX miễn phí đảm bảo chất lượng, tiếp đến là Iridient X-Transformer và gần đây nhất là một phần mềm do hãng tự viết là FUJIFILM X RAW STUDIO giúp người sử dụng có thể convert file RAF sang các định dạng ngoài RAW với tốc độ nhanh nhất bằng cách sử dụng chính chiếc máy ảnh của mình làm bộ xử lý cho file ảnh RAW của hãng.

Tuy nhiên, vấn đề duy nhất là hãng mới chỉ dừng lại ở bộ chuyển đổi RAW sang các file được giải mã sẵn như DNG, TIFF, JPG, nhưng khả năng tích hợp vào các workflow hiện tại với phần mềm của Adobe chưa cao. Người dùng vẫn phải làm thêm một vài bước nữa, trước khi bắt tay vào công việc chỉnh sửa hình ảnh của mình.

Với “Enhanced Detail”, Lightroom đã sẵn sàng cho Fujifilm | 50mm Vietnam

Mọi chuyện tưởng chừng vẫn chưa đâu vào với đâu thì trong khoảng cuối năm 2018, Fujifilm bất ngờ tung ra được giải pháp workflow hoàn chỉnh cho người dùng (bao gồm cả chuyển đổi + chỉnh sửa hình ảnh), hãng đã hợp tác với hãng Phase One để cho ra mắt một phiên bản “đặc biệt” của phần mềm chỉnh sửa hình ảnh chuyên nghiệp Capture One, với sự hỗ trợ 100% cho toàn bộ các file RAF của hãng ở mức chất lượng cao nhất.

Capture One

Tuy nhiên, trong bài viết này, hãy khoan nói về phần mềm mới vội, quay lại với Lightroom bởi vì đây vẫn là một phần mềm phổ thông nhất và ngoài ra thì Adobe cũng có một món quà dành riêng cho các fan của Fujifilm đây.

Bước chuyển mình mới từ bản Lightroom 8.2

Về với thực tại, tính đến thời điểm này, Fujifilm đã ra mắt cảm biến X-Trans thế hệ thứ IV bao gồm: X-T3X-T30, thật may cũng là lúc người khổng lồ Adobe mới thật sự tìm ra một giải pháp để mang RAF về với đúng cái chất của nó: Bản cập nhật Lightroom 8.2 với tính năng năng “Enhanced Detail” mới mà bất kỳ ai cũng đọc được khi bấm nút Cập Nhật.

Vậy Enhanced Detail là gì? Dịch sát nghĩa thì nó là để mở rộng chi tiết đi. Vậy làm thế nào để mở rộng chi tiết khi ảnh chụp RAW nó chỉ có vậy? Mình có đọc qua blog của Adobe thì họ có nói như thế này

Bất kỳ một bức ảnh RAW nào sau khi chụp xong đều phải qua một bước giải mã hình ảnh (gọi là demosaic) để đưa thành một bức ảnh màu hoàn chỉnh. Trong bước này, phần mềm sẽ tự động dò từng pixel và nội suy ra giá trị màu của pixel đó, lần lượt cho tới hết ảnh.

Mấu chốt ở chỗ: Phần mềm có thể tính toán sai đối với một số chi tiết có độ phức tạp cao (vải vóc, tóc, trang sức, bề mặt đá) và điều này dẫn tới hiện tượng kém chi tiết hoặc sai màu trên ảnh. Để mọi thứ chính xác nhất có thể, phần mềm sẽ phải thực hiện thêm hàng loạt phép tính toán cực kỳ phức tạp để đưa ra kết quả chính xác nhất. Nhưng cái giá phải trả là hiệu năng Lightroom sẽ chậm hơn rất nhiều. Các kỹ sư phải có sự cân bằng giữa vấn đề chất lượng & hiệu năng.

Enhanced Detail là một tính năng mới của Adobe sử dụng trí tuệ nhân tạo Adobe Sensei AI mà hãng đã phát triển trong nhiều năm gần đây. Tính năng này sẽ sử dụng một hệ thống mạng nơ-ron xoắn của Adobe Sensei AI để phân tích ảnh ở cấp độ dữ liệu RAW, dựa trên những thông tin thu được, kết hợp nguồn tri thức học được từ hàng tỷ bức ảnh bị lỗi (do kỹ sư Adobe huấn luyện), con AI này sẽ tính toán chính xác được từng pixel phải gán những giá trị màu sắc gì. Kết quả là bạn thu được một tấm ảnh với độ chi tiết được tăng lên tới 30%, loại bỏ gần như hoàn toàn mọi hiện tượng sai lệch trước đây.

Như vậy là đã rõ, Adobe đã sử dụng đến vũ khí tối tân của họ: Một con AI được huấn luyện từ trước để đảm nhận việc giãi mã hình ảnh RAW cho các bạn. Nghe có vẻ khá tiềm năng, vì vậy mình đã tiến hành thử ngay với một loạt file RAF mình chụp được bằng máy Fujifilm X-T30.

Thử nghiệm thực tế với Enhanced Detail

Không có gì khó khăn trong việc kích hoạt tính năng Enhanced Detail cả, bạn chỉ việc chuột phải vào tấm ảnh đang chọn trong Lightroom và chọn Enhanced Detail (hoặc bấm tổ hợp phím CTRL + ALT + I), một cửa sổ sẽ hiện lên thông báo chi tiết cho bạn về thời gian xử lý cũng như hình ảnh xem trước, bấm nút Enhanced là đã có ngay một tấm ảnh mới đuôi DNG xuất hiện ngay bên cạnh tấm ảnh gốc trong Lightroom rồi.

Các ảnh do tính năng Enhanced Detail tạo ra sẽ có thêm tiền tố -enhanced để giúp bạn phân biệt ảnh nào là ảnh gốc và ảnh nào là ảnh đã được AI can thiệp.

Công đoạn phân tích hình ảnh bắt đầu, các ảnh to là ảnh đã được Enhanced và mình chỉ so sánh với ảnh gốc ở các chi tiết zoom cận cho dễ xem. Mở đầu là một tấm hình mình chụp trong quán cafe

Bạn có thể thấy lúc này trời nhá nhem tối, mọi đèn trang trí được bật sáng tạo thành các mảng sáng tối khác nhau. Đầu tiên, mình thử zoom vào các mảng tường lần lượt từ 100% – 200% và cho tới 300% thì nhận thấy các chi tiết con trên bề mặt tường của bản Enhanced nét hơn, nhưng nhìn toàn thể bức hình thì không có quá nhiều khác biệt.

Mình thử tăng thêm 150% sharpness xem hiện tượng “sâu to” bám trên ảnh ở các phiên bản Lightroom trước còn xảy ra với Fujifilm nữa không, kết quả là file Enhanced tốt hơn hẳn file RAW gốc khi bạn không thể nhìn ra được những con “sâu to” trên ảnh của mình ở mức 300% nữa, zoom-out ra thì càng không thấy gì và chi tiết thì lại nét lên hoàn toàn.

Tiếp theo là tấm ảnh thứ hai chụp chân dung cosplay

Ảnh này là ảnh chụp chân dung một bạn cosplay trong điều kiện ánh sáng khá mạnh, được làm mềm lại cho phù hợp. Mình áp thử Enhanced Detail thì thu được kết quả rất khả quan: Các đường vân da trên khuôn mặt bạn gái nổi bật hơn so với ảnh gốc, tương tự trường hợp trên.

Tuy nhiên, có một thứ mà mình chú ý đó là: Bông hoa hồng trên đầu bạn gái được phục hồi lại cực kỳ nhiều chi tiết, từ độ nét cho tới phần màu sắc của hoa. Nó làm mình cảm giác giống như đang chụp một tấm ảnh bị out focus xong nhìn sang một tấm ảnh đúng focus vậy, đây là một kết quả ngoài dự đoán của mình trong quá trình kiểm tra.

Có vẻ Enhanced Detail khá nhạy cảm với chi tiết có chứa nhiều tông màu đỏ, mình thử tiếp với một tấm ảnh khác cũng chứa nhiều tông đỏ như vậy.

Một bạn gái khác, rất xinh, nhưng hãy bỏ qua khuôn mặt xinh đẹp đó và tập trung vào một thứ hay ho hơn: Trang Phục. Cô ấy mặc một chiếc váy có khá nhiều họa tiết màu hồng và mình để ý rằng: Ảnh enhanced cho một màu sắc khác hoàn toàn khác so với ảnh RAW gốc. Khi mình zoom lên sâu hơn thì đúng! Có rất nhiều pixel màu đang từ trạng thái “mất màu” và “đồng màu” nay đã chuyển thành “có màu”, các đường may nổi bật hơn và yes! Bức ảnh chân dung trông hoàn hảo hơn nhiều rồi đấy.

Kết luận

Qua 3 thử nghiệm ban đầu ở trên và rất nhiều các thử nghiệm khác mình kiểm tra sau đó, mình rút ra được một vài điều thú vị từ tính năng mới Enhanced Detail của phiên bản Lightroom 8.2 này, đó là:

  • Các chi tiết con (fine-detail) được nổi lên nhiều hơn trong ảnh, mắt chúng ta cảm nhận ảnh sẽ nét hơn và khối hơn so với ảnh gốc, rất có ích đối với ảnh chân dung hoặc vật thể có nhiều chi tiết phức tạp trên bề mặt: Vải vóc, mặt kim loại của đồ trang sức là một ví dụ
  • Enhanced Detail có khả năng phục hồi màu sắc trên những khu vực có sắc độ khác biệt, nằm liền kề nhau, đặc biệt là các vùng màu liên quan đến sắc đỏ. Như thử nghiệm ở phía trên, bạn có thể thấy với file gốc thì phần mềm sẽ đưa ra các giá trị màu đều nhau dẫn tới khu vực đó không có độ chuyển màu sắc. Chuyển sang tính năng mới thì điều này hoàn toàn được khắc phục.
  • Các file DNG do Enhanced Detail là các file đã giải mã hết các pixel RGB trên toàn ảnh. Vì vậy, nó sẽ không còn các hiện tượng bị lỗi khi hậu kỳ như “sâu bám”, “màu nước”, “bết shadows” khi sử dụng các thanh công cụ tinh chỉnh trong Lightroom hoặc Camera RAW nữa.
  • Các thay đổi của Enhanced Detail tác động đến một số khu vực trên ảnh tùy bối cảnh, bao gồm cả khu vực nhỏ nhất. Vì vậy, có một số thay đổi rõ rệt nhất chỉ khi bạn zoom ở mức 200% hoặc 300% mới có thể nhìn ra. Có thể bạn sẽ cho rằng nó quá ít, nhưng hãy nghĩ tới bước hoàn thiện ảnh bằng Photoshop hoặc in ấn khổ to thì cực kỳ lợi thế.
  • Một điều quan trọng nữa, đó là: Enhanced Detail có vẻ đang làm việc tốt hơn với những bức ảnh được chụp no sáng ở mức ISO thấp nhất (trong trường hợp này là ISO 160). Cũng dễ hiểu khi mà chụp ở những thiết lập này, file RAF chứa rất nhiều thông tin về hình ảnh giúp  tính năng này tái tạo mọi thứ tốt hơn.

Và vì đây mới chỉ là tính năng dạng thử nghiệm của Lightroom nên tất nhiên tính năng này còn có khá nhiều vấn đề:

  • Dung lượng của file DNG do Enhanced Detail khá to, chính xác là phải gấp 3 lần so với file RAW bình thường. Giao động trong khoảng 100 – 250 MB tùy mức độ chi tiết của ảnh. Vì vậy, bạn không nên dùng nó với toàn bộ các ảnh mình import vào.
  • Một vài ván đề liên quan tới khử quang sai của hình ảnh do ống kính gây ra thì Enhanced Detail không tác động vào được, viền tím vẫn là viền tím, viền xanh thì vẫn xanh. Nó chỉ khắc phục các vấn đề liên quan tới quá trình giải mã hình ảnh RAW.
  • Các file DNG do Enhanced Detail tạo ra chỉ được dùng trong phạm vi phần mềm của Adobe, các phần mềm khác như Capture One, DxO dù có thể nhận diện được nhưng hầu hết không sử dụng được do bị sai bảng mã màu khá nặng.

Cuối cùng, theo quan điểm riêng của mình, mình hoàn toàn có thể bỏ qua các nhược điểm của Enhanced Detail mà vẫn vui vẻ sử dụng tính năng này. Bởi một lẽ: Đã khá lâu rồi mới có một phần mềm phổ thông khai thác tốt thế mạnh của các cảm biến X-Trans trên máy Fujifilm mà không cần đến bất kỳ sự can thiệp nào của một hãng thứ ba, đồng nghĩa là mình không cần trả thêm khoản phí nào nữa.

Giờ hệ thống Fujifilm đã quá đủ tốt, ống kính đủ dùng, đến phần mềm cũng không còn hạn chế gì nữa, việc còn lại là làm ra những bức ảnh thật tốt thôi.

Những lưu ý khi sử dụng tính năng Enhanced Detail

Trước khi kết thúc hoàn toàn bài viết, mình muốn lưu ý với các bạn về những yêu cầu tối thiểu để có thể chạy được tính năng A.I Enhanced Detail này

  • Bạn sẽ cần update MacOS 10.13 và Windows 10 từ phiên bản 1809 hoặc mới hơn. Các phiên bản cũ hơn sẽ không được hỗ trợ.
  • Card đồ họa rời là một thứ bắt buộc cho tính năng này hoạt động.
  • Luôn update driver card đồ họa lên phiên bản mới nhất để tránh các lỗi sau khi tạo file ảnh.
  • Chỉ có Lightroom 8.2 và Adobe Camera RAW 11.2  mới có tính năng này.

Nếu các bạn vẫn chưa hiểu rõ, cần sự hỗ trợ, đừng ngần ngại gửi câu hỏi lên fanpage của 50mm Vietnam để được giải đáp. Chúc mọi người sử dụng vui vẻ!